Danh Tính:Hồng Thất Công Danh Hiệu:Bắc Cái|Cữu Chỉ Thần Cái Thuộc Tính:Hiệp Khách Đẳng Cấp :Tông Sư Hậu Kỳ|Lv.89 Chức Nghiệp:Võ Lâm Nhận Xét:Cữu Chỉ Thần Cái, Ghét Ác Như Cừu, Trừng Gian Diệt Ác, Ham Thích Mỹ Thực
Danh Tính:Hồng Thất Công Danh Hiệu:Bắc Cái|Cữu Chỉ Thần Cái Thuộc Tính:Hiệp Khách Đẳng Cấp :Tông Sư Hậu Kỳ|Lv.89 Chức Nghiệp:Võ Lâm Nhận Xét:Cữu Chỉ Thần Cái, Ghét Ác Như Cừu, Trừng Gian Diệt Ác, Ham Thích Mỹ Thực
Vũ trụ kiếm hiệp Kim Dung luôn ẩn chứa vô vàn bí ẩn về võ công, thu hút độc giả bởi những màn so tài đỉnh cao và những tuyệt kỹ thượng thừa. Trong đó, Hàng long thập bát chưởng công phu lừng danh, luôn là đề tài được bàn tán sôi nổi.
Hàng long thập bát chưởng còn được gọi là Giáng long thập bát chưởng trong những bản dịch cũ, là một trong những tuyệt học đỉnh cao trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, xuất hiện "Thiên long bát bộ" và "Xạ điêu tam bộ khúc". Đây là một trong hai tuyệt học trấn phái của Cái Bang, nổi danh cùng với những nhân vật anh hùng hiệp nghĩa.
Hàng long thập bát chưởng là một trong những tuyệt học đỉnh cao trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung. (Ảnh: Sohu)
Hàng long thập bát chưởng tương truyền do Bang Chủ đời thứ nhất của Cái Bang sáng tạo ra, cùng với Đả cẩu bổng pháp là hai môn tuyệt học trấn phái của Cái Bang từ xưa đến nay.
Trong những ấn bản mới nói rằng chưởng pháp này nguyên gốc có 28 chưởng được gọi là "Hàng long nhị thập bát chưởng". Khi truyền đến đời của Kiều Phong, bởi vì cảm thấy 10 thức chưởng pháp sau cùng quá rườm rà, uy lực không sánh bằng 18 thức đầu nên đã được Kiều Phong lược bỏ, dung nhập vào 18 thức tạo thành Hàng long thập bát chưởng như hiện nay. Sau khi Kiều Phong hy sinh, Hư Trúc đã thay mặt truyền lại cho bang chủ đời sau, sau này truyền đến đời của Hồng Thất Công.
Trang tin Sohu (Trung Quốc) đã đặt ra câu hỏi, Kiều Phong với Hàng long thập bát chưởng có thể khiến Vô Danh thần tăng (hay còn gọi là Tảo Địa Tăng) bị đẩy lùi về sau một đoạn. Tảo Địa Tăng là nhân vật sở hữu võ công được cho là "vô địch" trong Thiên Long Bát Bộ. Vậy tại sao Hồng Thất Công với cũng luyện công phu này lại không thể thắng nổi Vương Trùng Dương?
Kiều Phong tung chưởng tấn công Vô Danh thần tăng và khiến ông bị thương không thể hiện việc ông không thể đỡ nổi chiêu Hàng long thập bát chưởng. (Ảnh: Sohu)
Để lý giải cho những khúc mắc này, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về các tình tiết trong truyện. Trong trận chiến tại Tàng Kinh Các, Kiều Phong tung chưởng tấn công Vô Danh thần tăng nhằm mục đích cứu cha. Tuy nhiên, mục tiêu của Vô Danh thần tăng là muốn chế ngự Tiêu Viễn Sơn để hóa giải thù hận, do đó ông gần như không chống đỡ trước đòn tấn công của Kiều Phong. Chính vì vậy, Vô Danh thần tăng bị Kiều Phong đẩy lui không thể hiện việc võ công của ông không thể đỡ nổi chiêu Hàng long thập bát chưởng.
Trước đó, khi Kiều Phong dùng Hàng long thập bát chưởng tấn công Mộ Dung Phục, Vô Danh thần tăng đã dễ dàng hóa giải bằng cách chắp tay lại. Hành động này khiến chính Kiều Phong cũng phải thừa nhận nội công của Vô Danh thần tăng thâm hậu hơn mình rất nhiều. Mộ Dung Phục cũng có nhận định tương tự sau khi chứng kiến cảnh tượng này. Hắn cho rằng võ công của Vô Danh thần tăng ít nhất phải hơn mình đến mười lần.
Khi Vương Trùng Dương được vinh danh là Thiên hạ đệ nhất trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Hồng Thất Công vẫn còn trẻ tuổi. (Ảnh: Sohu)
Rõ ràng, uy lực của Hàng long thập bát chưởng là không thể phủ nhận, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người sử dụng nó sẽ luôn giành chiến thắng. Yếu tố quyết định chính là nội lực của người sử dụng. Điển hình như trường hợp của Quách Tĩnh, lúc mới học Hàng long thập bát chưởng từ Hồng Thất Công, anh đã sử dụng nó để đối đầu với Âu Dương Khắc. Tuy nhiên, vì nội công chưa đủ nên Quách Tĩnh đã thất bại. Sau này, khi đã luyện thành thần công, Quách Tĩnh đã dùng chính Hàng long thập bát chưởng đánh bại Âu Dương Phong - người được xem là đệ nhất thiên hạ lúc bấy giờ.
Trở lại với câu hỏi tại sao Hồng Thất Công không thể thắng Vương Trùng Dương? Cần nhớ rằng, khi Vương Trùng Dương được vinh danh là Thiên hạ đệ nhất trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Hồng Thất Công vẫn còn trẻ tuổi và chưa đạt đến cảnh giới võ công cao nhất. Khoảng cách tuổi tác và thời gian tôi luyện nội công chính là rào cản lớn nhất khiến Hồng Thất Công không thể vượt qua Vương Trùng Dương.
Vương Trùng Dương phải mất đến bảy ngày bảy đêm mới phân định được thắng bại với Hồng Thất Công cùng ba vị cao thủ khác. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện võ công thuần túy, khoảng cách giữa Hồng Thất Công và Vương Trùng Dương không quá lớn. Bằng chứng là Vương Trùng Dương phải mất đến bảy ngày bảy đêm mới phân định được thắng bại với Hồng Thất Công cùng ba vị cao thủ khác.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng nếu Quách Tĩnh ở tuổi ngoài ba mươi, thời điểm mà nội công và võ công đã đại thành, thì chưa chắc Vương Trùng Dương đã có thể chống đỡ được Hàng long thập bát chưởng của anh.
Hồng Thất Công chủ yếu xuất hiện trong bộ Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp. Ông được biết đến là bang chủ thứ 18 của Cái bang, bang hội lớn nhất thiên hạ. Ông có võ công tuyệt đỉnh, nổi tiếng với Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp. Tại cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Hồng Thất Công trở thành một trong năm người có võ công mạnh nhất gồm: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Tây Độc Âu Dương Phong và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Giỏi võ công là vậy, nhưng nhiều người lại biết đến ông bởi tật xấu, khó bỏ, đó là tính tham ăn. Đây cũng là khiếm khuyết khiến ông trở nên không hoàn hảo.
Ông được thiên hạ gọi là “Cửu chỉ thần cái” bởi hai bàn tay chỉ có 9 ngón. Theo lời kể của họ Hồng, ông có điểm đặc biệt, hễ ngón tay trỏ máy động thì sẽ được ăn ngon. Cũng chính vì tham ăn ngon mà ông đã lỡ mất một việc lớn, để đến nỗi một huynh đệ trong Cái bang bị chết thảm. Quá đau lòng và hối hận, Hồng Thất Công giận dữ rút dao chém phăng ngón tay trỏ.
Chỉ còn 9 ngón tay, cái từ “cửu chỉ” cũng xuất hiện từ đó. Dù mất ngón tay nhưng tật tham ăn của Hồng Thất Công cũng chẳng giảm được chút nào, trái lại, về già ông lại càng tham ăn, chính ông cũng thừa nhận cứ thấy món ngon ông lại quên mất mọi sự trên đời.
Sự hiện diện đầu tiên của Hồng Thất Công là khi Hoàng Dung làm món gà ăn mày (bọc bùn rồi nướng) cho Quách Tĩnh. Lúc đó họ Hồng xuất hiện, nhìn con gà trân trân, cổ họng giật giật, nước dãi ứa ra, bộ dạng như thể sắp lao vào cướp vậy. Sau này, mỗi khi Hồng Thất Công xuất hiện dù ở đâu đó, hình ảnh của ông là bao giờ trên tay cũng cầm một món ăn nào đó, thường là một con gà nướng, con gà luộc…
Ông cũng từng trốn trong bếp của hoàng cung hàng tháng trời, ăn mọi món ngon vật lạ mà các đầu bếp nấu cho hoàng đế. Thậm chí, có những món ông còn nếm trước, sau đó mới đến lượt vua dùng. Ăn ở cung vua đầy của ngon vật lạ như vậy, nhưng ông cuối cùng cũng dời gót bởi chẳng món nào ông “thèm” dùng đến 2 lần.
Tham ăn, nhưng ông cũng sành ăn vô cùng. Chẳng hạn, khi Hoàng Dung nấu những món ăn với nhiều biến hóa khôn lường, chỉ một viên thịt nhưng nàng lồng vào trong đó rất nhiều nguyên liệu. Ấy vậy mà Hồng Thất Công chỉ cần nếm qua một miếng ngay lập tức đã nhận ra ở trong viên thịt đó được tạo thành bởi những loại thịt gì.
Ngoài ra, ông cũng nấu ăn rất giỏi. Bằng chứng là ngay những con rết cực độc cũng được ông tạo thành các món ăn hảo hạng. Trong bộ Thần điêu đại hiệp, lần đầu Dương Quá gặp Hồng Thất Công đã thấy ông dùng gà bắt rết, rồi luộc chín các con rết kịch độc để tiêu hết độc. Sau đó, ông lột da, xào thành món ăn mà ban đầu Dương Quá thấy ghê ghê, nhưng ăn vào liền cảm thấy không có món ăn nào ngon hơn cả.
Cũng chính vì tật tham ăn của Bắc Cái, Hoàng Dung với tài nấu ăn đệ nhất thiên hạ của mình đã dụ ông dạy cho cả Hoàng Dung và Quách Tĩnh các loại võ công tuyệt đỉnh. Hoàng Dung đã nấu những món cực ngon để Hồng Thất Công dạy 15 chiêu trong bộ Hàng long thập bát chưởng cho Quách Tĩnh. Nên nhớ, đệ tử Cái bang dù lập được công trạng cực lớn thì may mắn lắm cũng chỉ ông truyền thụ cho một chiêu.
Với Hoàng Dung, nàng dụ Bắc Cái dạy cho Tiêu dao du và Mãn thiên hoa vũ để đối phó với đàn độc xà của Âu Dương Khắc, cháu của Tây Độc Âu Dương Phong. Chỉ vì các món ăn ngon mà Hồng Thất Công truyền dạy cho 2 con người mới chỉ gặp lần đầu, để đổi lại được thưởng thức những món ngon vật lạ trên đời, đủ để thấy cái tật ham ăn của Hồng Thất Công là rất lớn.
Có một Hồng Thất Công tham ăn đệ nhất, nhưng cũng có một Hồng Thất Công anh hùng đệ nhất. Mỗi khi rời khỏi bàn ăn, tất tần tật những gì ông thể hiện là một vị đại hiệp đúng nghĩa, với sự quân tử và nhân hậu ít ai sánh kịp. Âu Dương Phong vốn là kẻ xấu xa, nhưng ông sẵn sàng cứu giúp khi bị thanh cột cháy suýt đè lên người. Chỉ vì việc nghĩa mà Hồng Thất Công bị Tây Độc cho rắn cắn, lại dùng chưởng đánh ông đến tàn hại.
Những tưởng sau này Âu Dương Phong trở thành kẻ đại thù, nhưng Hồng Thất Công vẫn chưa bao giờ tìm cách gây khó dễ. Thậm chí sau này, khi về già, họ gặp nhau lần cuối tại đỉnh Hoa Sơn và quyết đấu thì sau cùng Hồng Thất Công và Âu Dương Phong cũng ôm choàng lấy nhau cười cho đến chết. Việc đối xử với Âu Dương Phong là phản chiếu rõ nhất cho cái khí khái quân tử cũng như lòng vị tha hiếm có trên đời của Hồng Thất Công. Chỉ chừng đó thôi đã thể hiện rõ cái hiệp nghĩa của vị bang chủ lừng lẫy.
Hồng Thất Công cũng được thiên hạ biết đến là người ghét cái ác như kẻ thù, luôn hành xử công bằng, chính trực, chưa bao giờ lạm sát một người vô tội. Tuy nhiên, việc hành hiệp của ông cũng không phải cứng nhắc hay khuôn phép. Dù tuổi cao nhưng ở ông không hề có sự cổ hủ mà còn bốc đồng. Ông thích sự tùy hứng, hành xử phóng khoáng nhưng ở ông ranh giới mong manh giữa chính – tà không bao giờ bị ông lấn qua.
Nói về khí chất của Hồng Thất Công, có thể nói nó được thể hiện rõ ràng nhất ở trong cuộc đối đáp của ông với Cừu Thiên Nhận, Bang chủ Thiết Chưởng bang và quần hùng thiên hạ. Giữa rất nhiều cao thủ, ông khẳng định: “Lão khiếu hóa nhất sinh giết hai trăm ba mươi mốt người, kẻ nào cũng là quân gian ác, nếu không là tham quan ô lại, thổ hào ác bá thì là đại gian đại ác, phụ nghĩa bạc hạnh. Lão khiếu hóa tham ăn tham uống nhưng bình sinh chưa từng giết người nào tốt. Cừu Thiên Nhận ngươi là người thứ hai trăm ba mươi hai đấy!”.
Cừu Thiên Nhận không thật sự lép vế về võ công so với Hồng Thất Công, thậm chí là tương đương. Chưa kể, thời điểm đối thoại, Thiết chưởng Thủy thượng phiêu Cừu Thiên Nhận đạt độ chín nhất của võ công, trong khi Hồng Thất Công mới bị chấn thương. Trước câu nói chém đinh chặt sắt đó của Hồng Thất Công, Cừu Thiên Nhận không hề dám đối kháng, thậm chí còn định nhảy xuống vực sâu tự tử.
Có thể, trong Thiên hạ ngũ tuyệt, ngoại trừ Vương Trùng Dương có vẻ nhỉnh hơn, thì bốn nhân vật còn lại võ công ngang tầm nhau, với mỗi người một thế mạnh riêng. Trong thiên hạ, cũng có những người có trình độ xấp xỉ ông, như Cừu Thiên Nhận, Chu Bá Thông chẳng hạn. Tuy không phải là người mạnh nhất, cũng chưa hẳn vượt trội hoàn toàn trong võ lâm, nhưng với khí khái của mình, Hồng Thất Công luôn xứng là người có tiếng nói nhất. Người ta vị nể ông không chỉ đơn thuần là vì ngôi vị Bang chủ Cái bang. Ông là người đúng nghĩa nam tử hán đầu đội trời, chân đạp đất.